Một số vấn đề về hoạt động mua bán nợ ở Việt Nam
Hoạt động mua bán nợ là gì?
Mua bán nợ (MBN) là hoạt động kinh tế nhằm thực hiện việc trao đổi cũng như chuyển giao những tài sản, đặc biệt là những “khoản nợ phải thu” từ đối tượng này qua đối tượng khác. Bản chất của nó là hình thức chuyển nhượng lại về “quyền thu hồi nợ” từ những “khoản nợ phải thu” đối với khách hàng nợ sang bên mua nợ. Từ đó, bên mua nợ sẽ thành một chủ nợ mới của khách nợ.
Kinh doanh dịch vụ MBN là việc thực hiện liên tục một hoặc một số hoạt động liên quan đến hoạt động MBN nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm: mua nợ, bán nợ, môi giới MBN, tư vấn mua nợ, dịch vụ bán nợ, dịch vụ hoán đổi nợ. Ngay sau khi việc mua nợ được hoàn tất, công ty MBN sẽ đưa ra nhiều biện pháp, cách thức xử lý nhằm đòi được nợ, giãn nợ hay chuyển từ việc nợ sang vốn góp. Bên cạnh đó, nếu như khách hàng nợ có những phương án, cách thức làm ăn hiệu quả nhưng đang thiếu vốn thì công ty MBN sẽ đầu tư cho đơn vị để có thể tiếp tục phát triển sản xuất, kinh doanh, sau đó mới tiến hành thu hồi nợ.
Đặc điểm của hoạt động mua bán nợ
Hoạt động MBN có những đặc trưng sau:
Thứ nhất, các hoạt động MBN hiện nay đều có thể mang lại hiệu quả đến cho tất cả những bên tham gia. MBN luôn gắn với những khả năng thu lợi. Chủ nợ sẽ nhận lại được toàn bộ số tiền trong thời gian sớm nhất theo như thỏa thuận của hợp đồng, để có thể tái đầu tư hoặc xử lý vào những kế hoạch cụ thể. Chủ nợ sẽ không phải chịu bất kỳ trách nhiệm pháp lý nào có liên quan đến toàn bộ việc xử lý nợ từ công ty MBN.
Thứ hai, bên cạnh những lợi ích đạt được, hoạt động MBN luôn gắn với những rủi ro nhất định. Chủ nợ cần chấp nhận với thực tế rằng phải hy sinh về giá trị khoản nợ. Bản chất của MBN là thực hiện việc mua tài sản với tính rủi ro cao.
Thứ ba, nợ là hàng hóa có khả năng thanh khoản nhưng không cao vì đây không phải là hàng hoá thông thường giống như các loại hàng hoá khác. Các bên đối tác tham gia mua nợ thường chỉ là các công ty MBN một cách chuyên nghiệp, trên thị trường Việt Nam hiện nay số lượng các công ty này không nhiều.
Thứ tư, việc định giá hàng hóa được mua bán phức tạp, khó chính xác và cần có sự tham gia của các chuyên gia.
Mục tiêu của thị trường mua bán nợ
Mục tiêu đầu tiên của thị trường MBN, đó là hoạt động có hiệu quả. Một thị trường MBN có hiệu quả là một thị trường có tính hiệu quả về mặt thông tin và cơ chế giao dịch. Để đạt được điều này thị trường MBN cần phải đảm bảo các yếu tố, gồm: (1) Giá cả được hình thành trên thị trường phải là giá cân bằng giữa cung và cầu và phải phản ánh được tức thời các thông tin có liên quan có thể ảnh hưởng tới giá cả; (2) Cơ chế và các thủ tục giao dịch MBN cần phải được tiêu chuẩn hoá. Thị trường phải đảm bảo tính thanh khoản cao giúp cho các nhà đầu tư có thể mua và bán các khoản nợ bất kỳ lúc nào họ muốn; (3) Chi phí giao dịch trên thị trưởng phải được tối thiểu hoá; (4) Thị trường MBN phải được tổ chức một cách thuận tiện cho những người sử dụng, có như vậy mới thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia vào thị trường.
Mục tiêu thứ hai, của thị trường MBN là điều hành công bằng. Điều hành công bằng trong thị trường MBN là việc đảm bảo sự bình ổn giữa những người tham gia vào thị trường, theo đó: (1) Các cơ quan điều hành thị trường phải xác lập các quy chế đảm bảo sự cạnh tranh tự do, bình đẳng trên thị trường. Các nhà đầu tư và các tổ chức có liên quan đến chứng khoán được tự do tham gia và rút khỏi thị trường; (2) Mọi giao dịch không bình đẳng như giao dịch tay trong, đều bị nghiêm cấm; (3) Bảo đảm quyền lợi của nhà đầu tư thông qua việc duy trì thị trường hoạt động lành mạnh, chống lại các trường hợp lũng đoạn thị trường và bóp méo giá gây thiệt hại cho nhà đầu tư.
Thách thức đặt ra đối với sự phát triển của thị trường mua bán nợ Việt Nam
Những năm qua, mặc dù Chính phủ có những chính sách để khuyến khích, thúc đẩy phát triển của thị trường MBN, tuy nhiên nếu so sánh cấu trúc thị trường giao dịch nợ của Việt Nam với thông lệ quốc tế thì vẫn còn một số tồn tại, thách thức.
Khung pháp lý cho việc quản lý thị trường mua bán nợ
Các quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ MBN được quy định tại Nghị định số 69/2016/ND-CP của Chính phủ, phù hợp với yêu cầu và đặc điểm của hoạt động kinh doanh MBN, khuyến khích thành lập và vận hành các doanh nghiệp kinh doanh MBN, đảm bảo quản lý nhà nước trong lĩnh vực này cũng như lợi ích của các bên liên quan. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng vẫn còn một số tồn tại, vướng mắc.
Về các đối tượng áp dụng, các đối tượng áp dụng của Nghị định số 69/2016/ND-CP tương đối hẹp, vì nó chỉ bao gồm các doanh nghiệp kinh doanh MBN và các tổ chức, cá nhân muốn thực hiện dịch vụ MBN. (Điều 2). Trong khi một số chủ thể khác hoạt động trong thị trường MBN lại bị điều chỉnh bởi các quy định pháp luật khác.
Về điều kiện để thực hiện hoạt động MBN, Nghị định số 69 có quy định: “Doanh nghiệp hoạt động MBN không được nhận cấp tín dụng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng để mua nợ của khách hàng vay tại chính tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đó hoặc nhận bảo đảm của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng để được cấp tín dụng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng khác nhằm mục đích mua nợ của khách hàng vay tại chính tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bảo đảm” (Mục 5, Điều 7). Mục đích của quy định này là ngăn chặn khả năng doanh nghiệp vay tiền từ ngân hàng với mục đích tạo ra một khoản nợ mới hoặc trên thực tế là đảo nợ. Tuy nhiên, điều này cũng không hợp lý vì theo nguyên tắc thị trường và hoạt động kinh doanh của hoạt động MBN thông thường, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm đối với các nghĩa vụ phát sinh từ các khoản vay độc lập.
Hoạt động của các đối tượng tham gia thị trường mua bán nợ
Thông lệ quốc tế cho thấy sự hiện diện và hoạt động đầy đủ của các đối tượng tham gia thị trường rất quan trọng đối với sự hình thành và phát triển của thị trường MBN. Cùng với các vấn đề pháp lý, thị trường MBN hiện nay ở Việt Nam vẫn chưa đồng bộ các thành phần cơ bản, điều này cũng ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường MBN chưa đạt hiệu quả cao. Đây được coi là một trong những điểm yếu lớn trong sự phát triển của thị trường MBN tại Việt Nam.
Hàng hóa trên thị trường mua bán nợ
Thị trường trái phiếu là một kênh huy động vốn rất quan trọng trong nền kinh tế. Tuy nhiên, tại Việt Nam, kênh huy động vốn này gần như chưa phát triển vì nhiều lý do như hành lang pháp lý bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư chưa thật đầy đủ, tình hình tài chính của các doanh nghiệp tham gia thị trường chưa thật sự tốt, tính minh bạch của thị trường, tính thanh khoản của các loại hàng hóa trên thị trường chưa cao. Ngoài ra, trong cấu trúc của thị trường trái phiếu Việt Nam thì trái phiếu chính phủ chiếm hơn 90% tổng số trái phiếu phát hành, tương đương với các thị trường kém phát triển trong khu vực như Indonesia và Philippines.
Các đối tượng tham gia mua bán nợ
Hạn chế về mặt số lượng: Số lượng các công ty tham gia mua nợ chuyên nghiệp tại thị trường Việt Nam còn hạn chế và không hiệu quả. Hiện tại, phía cầu mua nợ chỉ là Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC), Công ty quản lý tài sản (VAMC) và một số công ty kinh doanh nợ thuộc ngân hàng cũng như các công ty kinh doanh nợ tư nhân. Tuy nhiên, nhiều công ty MBN trong các ngân hàng hiện chỉ thực hiện một số hoạt động như thanh lý tài sản, quản lý tài sản thế chấp, thu nợ cho ngân hàng trong khi xử lý nợ xấu và cơ cấu lại gần như không tồn tại.
Hạn chế về năng lực và nhân sự: Năng lực về tài chính và nhân sự của các công ty liên quan đến hoạt động MBN còn hạn chế, đặc biệt là thiếu các chuyên gia giỏi trong tái cấu trúc doanh nghiệp.
Hạn chế về vốn: Vốn của các công ty MBN tương đối thấp trong khi không có quỹ đầu tư đủ lớn tham gia vào thị trường MBN của Việt Nam. Chỉ có DATC với số vốn tương đối lớn, trong khi hầu hết các công ty MBN khác có quy mô nhỏ và do đó gặp rất nhiều khó khăn khi xử lý nợ xấu.
Tổ chức quản lý và giám sát hoạt động của thị trường
Thị trường MBN của Việt Nam vẫn còn ở giai đoạn sơ khai, vì vậy không có cơ quan quản lý nhà nước nào được giao nhiệm vụ chính thức là quản lý và giám sát các hoạt động của thị trường này. Mặc dù Nghị định số 69/2016/CP-CP quy định các cơ quan quản lý nhà nước chịu trách nhiệm quản lý, kiểm tra, kiểm tra, giám sát hoạt động MBN bao gồm Bộ Tài chính, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cơ quan đăng ký kinh doanh và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Tuy nhiên, đây chỉ là quy định khung, trên thực tế, các cơ quan quản lý cần phát triển các biện pháp cụ thể hơn để có thể thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Yêu cầu đối với việc công bố thông tin
Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam hướng tới các biện pháp nâng cao chất lượng cung cấp thông tin thông qua việc áp dụng các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế về công bố thông tin, quản trị doanh nghiệp và xây dựng, thiết lập cơ chế bảo vệ cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, trên thực tế, tại Việt Nam chưa xây dựng được một khung pháp lý đủ mạnh, có tác dụng răn đe yêu cầu các doanh nghiệp phải minh bạch trong việc cung cấp thông tin và vẫn chưa có khung pháp lý để bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư .
Các tổ chức hỗ trợ
Nghị định số 69/2016/ND-CP định nghĩa hoạt động kinh doanh của các bên liên quan đến hoạt động MBN bao gồm môi giới, tư vấn và cung cấp dịch vụ trao đổi nợ. Tuy nhiên, trên thực tế, trên thị trường Việt Nam hiện nay chưa có các tổ chức tham gia môi giới, tư vấn giao dịch nợ chuyên nghiệp và cũng không có dịch vụ trao đổi nợ.
Xếp hạng tín dụng và các tổ chức xếp hạng
Theo thống kê, Việt Nam hiện chưa có tổ chức xếp hạng tín dụng và thẩm định giá có uy tín. Sự phát triển của các tổ chức này sẽ giúp đánh giá khoản nợ chính xác hơn và đáng tin cậy hơn, giúp các nhà đầu tư xác định có nên thực hiện giao dịch mua nợ hay không và có nên mua với giá nào. Do đó, thị trường giao dịch nợ mới có thể trở nên minh bạch hơn và thu hút nhiều nhà đầu tư hơn.
Kết luận
Để hỗ trợ cho hoạt động quản lý nợ nhằm đảm bảo sự ổn định của kinh tế vĩ mô và an ninh tài chính quốc gia thì sự phát triển của thị trường mua bán nợ có thể coi là một giải pháp để xử lý nợ xấu trong nền kinh tế. Do đó, việc tìm hiểu các đặc điểm của thị trường MBN Việt Nam cũng như một số rào cản cho sự phát triển của thị trường này sẽ giúp cho các nhà làm chính sách đưa ra được những giải pháp định hướng cho sự phát triển của thị trường này, góp phần làm cân bằng, lành mạnh hoá nền tài chính quốc gia.
Nguồn: Tạp chí điện tử Tài chính