I. Vấn đề pháp lý liên quan đến hoạt động mua bán nợ
Hiện nay, hoạt động mua bán nợ của các chủ thể không phải tổ chức tín dụng (TCTD) không phải là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Cụ thể, Luật Đầu Tư 2020 đã loại bỏ ngành nghề “kinh doanh dịch vụ mua bán nợ” ra khỏi danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Đồng thời, Điểm d khoản 2 Điều 131 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP của Chính Phủ cũng bãi bỏ nghị định số Nghị Định 69/2016/NĐ-CP của Chính Phủ về điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ.
Do vậy, hoạt động mua bán nợ của các chủ thể không phải TCTD không chịu sự điều chỉnh riêng của văn bản quy phạm pháp luật cụ thể nào mà chịu sự điều chỉnh chung của Bộ Luật Dân Sự 2015.
II. Quy định của pháp luật liên quan đến vấn đề chuyển giao, mua bán, thế chấp quyền đòi nợ
1. Quy định về chuyển giao quyền đòi nợ
Điều 365 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về chuyển giao quyền yêu cầu:
“1. Bên có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ có thể chuyển giao quyền yêu cầu đó cho người thế quyền theo thỏa thuận, trừ trường hợp sau đây:
a) Quyền yêu cầu cấp dưỡng, yêu cầu bồi thường thiệt hại do xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín;
b) Bên có quyền và bên có nghĩa vụ có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định về việc không được chuyển giao quyền yêu cầu.
Khi bên có quyền yêu cầu chuyển giao quyền yêu cầu cho người thế quyền thì người thế quyền trở thành bên có quyền yêu cầu. Việc chuyển giao quyền yêu cầu không cần có sự đồng ý của bên có nghĩa vụ.
Người chuyển giao quyền yêu cầu phải thông báo bằng văn bản cho bên có nghĩa vụ biết về việc chuyển giao quyền yêu cầu, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trường hợp bên chuyển giao quyền yêu cầu không thông báo về việc chuyển giao quyền mà phát sinh chi phí cho bên có nghĩa vụ thì bên chuyển giao quyền yêu cầu phải thanh toán chi phí này.”
Điều 366 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về nghĩa vụ cung cấp thông tin và chuyển giao giấy tờ:
“1. Người chuyển giao quyền yêu cầu phải cung cấp thông tin cần thiết, chuyển giao giấy tờ có liên quan cho người thế quyền.
2. Người chuyển giao quyền yêu cầu vi phạm nghĩa vụ quy định tại khoản 1 Điều này mà gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại”.
Điều 367 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về không chịu trách nhiệm sau khi chuyển giao quyền yêu cầu:
“Người chuyển giao quyền yêu cầu không phải chịu trách nhiệm về khả năng thực hiện nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ sau khi chuyển giao quyền yêu cầu, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”
Điều 368 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về chuyển giao quyền yêu cầu có biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ:
“Trường hợp quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ có biện pháp bảo đảm thì việc chuyển giao quyền yêu cầu bao gồm cả biện pháp bảo đảm đó.”
Điều 369 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về quyền từ chối của bên có nghĩa vụ như sau:
“1. Trường hợp bên có nghĩa vụ không được thông báo về việc chuyển giao quyền yêu cầu và người thế quyền không chứng minh về tính xác thực của việc chuyển giao quyền yêu cầu thì bên có nghĩa vụ có quyền từ chối việc thực hiện nghĩa vụ đối với người thế quyền.
2. Trường hợp bên có nghĩa vụ do không được thông báo về việc chuyển giao quyền yêu cầu mà đã thực hiện nghĩa vụ đối với người chuyển giao quyền yêu cầu thì người thế quyền không được yêu cầu bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ đối với mình.”
Điều 370 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về chuyển giao nghĩa vụ:
“1. Bên có nghĩa vụ có thể chuyển giao nghĩa vụ cho người thế nghĩa vụ nếu được bên có quyền đồng ý, trừ trường hợp nghĩa vụ gắn liền với nhân thân của bên có nghĩa vụ hoặc pháp luật có quy định không được chuyển giao nghĩa vụ.
2. Khi được chuyển giao nghĩa vụ thì người thế nghĩa vụ trở thành bên có nghĩa vụ.”
Điều 371 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về chuyển giao nghĩa vụ có biện pháp bảo đảm:
“Trường hợp nghĩa vụ có biện pháp bảo đảm được chuyển giao thì biện pháp bảo đảm đó chấm dứt, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”
Quyền đòi nợ là một quyền yêu cầu, do đó được phép chuyển giao theo quy định về chuyển giao quyền yêu cầu, khi đó bên nhận thế quyền sẽ là bên có quyền đòi nợ đối với bên có nghĩa vụ trả nợ.
2. Quy định về mua bán quyền đòi nợ
Điều 430 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về hợp đồng mua bán tài sản:
“Hợp đồng mua bán tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên bán chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên mua và bên mua trả tiền cho bên bán”.
Điều 450 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về mua bán quyền tài sản:
“1. Trường hợp mua bán quyền tài sản thì bên bán phải chuyển giấy tờ và làm thủ tục chuyển quyền sở hữu cho bên mua, bên mua phải trả tiền cho bên bán.
2. Trường hợp quyền tài sản là quyền đòi nợ và bên bán cam kết bảo đảm khả năng thanh toán của người mắc nợ thì bên bán phải liên đới chịu trách nhiệm thanh toán, nếu khi đến hạn mà người mắc nợ không trả.
3. Thời điểm chuyển quyền sở hữu đối với quyền tài sản là thời điểm bên mua nhận được giấy tờ về quyền sở hữu đối với quyền tài sản đó hoặc từ thời điểm đăng ký việc chuyển quyền sở hữu, nếu pháp luật có quy định”.
Qua quy định pháp luật nêu trên, có thể thấy pháp luật không quy định về điều kiện khi thực hiện việc mua bán quyền đòi nợ, do đó, có thể nắm bản chất của việc mua bán quyền đòi nợ như dưới đây.
– Bên bán có quyền thực hiện việc mua bán nợ mà không cần sự đồng ý của bên nợ, bên bán cũng không có nghĩa vụ thông báo cho bên nợ biết về việc khoản nợ đã được bán cho bên thứ ba.
– Theo quy định tại khoản 2 Điều 450 thì trường hợp quyền tài sản là quyền đòi nợ và bên bán cam kết bảo đảm khả năng thanh toán của người mắc nợ thì bên bán mới phải liên đới chịu trách nhiệm thanh toán nếu đến hạn mà người mắc nợ không trả. Quy định trên có thể hiểu theo 2 trường hợp sau:
(i) Nếu bên bán quyền đòi nợ cam kết bảo đảm khả năng thanh toán của người mắc nợ thì bên bán trở thành bên bảo lãnh cho nghĩa vụ trả nợ của người mắc nợ. Đồng thời, cả bên bán quyền và người mắc nợ sẽ phải liên đới trong việc thanh toán cho bên mua, nếu khi đến hạn mà người mắc nợ không trả;
(ii) Nếu bên bán quyền đòi nợ không cam kết bảo đảm khả năng thanh toán của người mắc nợ thì bên bán không phải chịu trách nhiệm về khả năng trả nợ của người mắc nợ.
Do vậy, trường hợp các bên không có thỏa thuận nào khác thì bên mua tự chịu trách nhiệm về khả năng thanh toán của người mắc nợ và tự chịu trách nhiệm về hành vi đòi nợ của chính mình.
Về thời điểm chuyển quyền sở hữu đối với quyền tài sản cho bên mua, quyền đòi nợ thuộc loại quyền không phải đăng ký quyền sở hữu, do đó, thời điểm chuyển quyền sở hữu đối với quyền tài sản là thời điểm bên mua nhận được các giấy tờ chứng minh quyền sở hữu của bên bán đối với tài sản đó. Đối với các trường hợp không có giấy tờ chứng minh quyền (ví dụ như hợp đồng vay được xác lập dưới hình thức miệng) thì thời điểm chuyển quyền sở hữu đối với quyền tài sản cho bên mua là thời điểm bên có nghĩa vụ thừa phận nghĩa vụ đối với bên bán quyền.
Ngoài ra, pháp luật không có quy định hợp đồng mua bán quyền tài sản cần công chứng hay chứng thực. Do vậy, hợp đồng mua bán quyền tài sản chỉ được công chứng hoặc chứng thực theo yêu cầu (nhu cầu) của các bên.
3. Quy định về thế chấp quyền đòi nợ
Điều 33 Nghị định 21/2021/NĐ-CP về việc thế chấp bằng quyền đòi nợ, khoản phải thu, quyền yêu cầu thanh toán khác:
“Việc thế chấp bằng quyền đòi nợ, khoản phải thu, quyền yêu cầu thanh toán khác không cần có sự đồng ý của người có nghĩa vụ nhưng người này phải được bên nhận thế chấp thông báo để biết trước khi thực hiện nghĩa vụ theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật”.
Điều 7 Thông tư liên tịch 16/2014/TTLT-BTP-BTNMT về xử lý tài sản thế chấp là quyền đòi nợ:
“1. Trước thời điểm xử lý quyền đòi nợ ít nhất bảy (07) ngày làm việc, bên nhận thế chấp gửi cho bên có nghĩa vụ trả nợ văn bản thông báo xử lý quyền đòi nợ và một (01) bản sao có xác nhận của tổ chức hành nghề công chứng đối với hợp đồng thế chấp quyền đòi nợ đã được công chứng hoặc bản chính hợp đồng thế chấp quyền đòi nợ có chữ ký, con dấu (nếu có) của các bên hoặc Giấy chứng nhận đăng ký giao dịch bảo đảm bằng quyền đòi nợ do cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm cấp.
2. Trong thời hạn bảy (07) ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản thông báo xử lý quyền đòi nợ, bên có nghĩa vụ trả nợ có trách nhiệm thanh toán khoản nợ cho bên nhận thế chấp theo hướng dẫn như sau:
a) Nếu thời điểm thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo hợp đồng có căn cứ phát sinh quyền đòi nợ của bên thế chấp xảy ra trước thời điểm xử lý quyền đòi nợ theo hợp đồng thế chấp thì bên có nghĩa vụ trả nợ có trách nhiệm chuyển khoản tiền trả nợ vào tài khoản do bên có nghĩa vụ trả nợ mở tại Ngân hàng theo chỉ định của bên nhận thế chấp.
Bên nhận thế chấp có quyền yêu cầu Ngân hàng phong tỏa tài khoản này và chỉ được quyền yêu cầu Ngân hàng giải tỏa để xử lý khi đến thời điểm xử lý tài sản thế chấp. Kể từ thời điểm nộp tiền vào tài khoản, bên có nghĩa vụ trả nợ không được quyền yêu cầu Ngân hàng giải tỏa và thực hiện giao dịch đối với số tiền này.
b) Nếu thời điểm thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo hợp đồng có căn cứ phát sinh quyền đòi nợ của bên thế chấp xảy ra sau thời điểm xử lý quyền đòi nợ theo hợp đồng thế chấp thì bên nhận thế chấp được quyền yêu cầu bên có nghĩa vụ trả nợ phải thanh toán khoản nợ đó cho mình tại thời điểm nghĩa vụ trả nợ đến hạn.
Bên nhận thế chấp không được yêu cầu bên thế chấp thanh toán khi nghĩa vụ trả nợ chưa đến hạn, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
3. Trường hợp nhận trực tiếp các khoản tiền, tài sản từ bên có nghĩa vụ trả nợ thì bên nhận thế chấp phải lập biên bản có chữ ký của bên thế chấp, bên nhận thế chấp và bên có nghĩa vụ trả nợ. Biên bản nhận các khoản tiền, tài sản phải ghi rõ việc bàn giao, tiếp nhận các khoản tiền, tài sản và xác định giá trị tài sản.
Trong trường hợp bên thế chấp không ký vào biên bản thì biên bản đó chỉ cần chữ ký của bên nhận thế chấp và bên có nghĩa vụ trả nợ. Bên nhận thế chấp có trách nhiệm gửi biên bản nhận các khoản tiền, tài sản cho bên thế chấp.
4. Trường hợp bên có nghĩa vụ trả nợ không thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều này thì bên nhận thế chấp có quyền thực hiện các biện pháp sau đây:
a) Thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý theo thủ tục quy định tại Điều 63 Nghị định số 163/2006/NĐ-CP trong trường hợp khoản nợ là vật;
b) Yêu cầu bên có nghĩa phải trả số tiền gốc, lãi và lãi quá hạn (nếu có) theo thỏa thuận trong hợp đồng, phù hợp với quy định của pháp luật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác;
c) Yêu cầu bên thế chấp thực hiện tiếp nghĩa vụ bảo đảm trong trường hợp giá trị nghĩa vụ mà bên có nghĩa vụ trả nợ theo hợp đồng có căn cứ phát sinh quyền đòi nợ thực hiện không đủ để thanh toán giá trị nghĩa vụ của bên thế chấp;
d) Khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp theo quy định của pháp luật.
5. Việc xử lý tài sản thế chấp là quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai được thực hiện theo quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này”.
Khoản 2 Điều 54 Nghị định 21/2021/NĐ-CP về xử lý tài sản bảo đảm là vật đồng bộ; tài sản có tài sản gắn liền; quyền đòi nợ, khoản phải thu, quyền yêu cầu thanh toán khác; giấy tờ có giá, chứng khoán, số dư tiền gửi; vận đơn, chứng từ vận chuyển:
“Bên nhận bảo đảm có quyền yêu cầu người thứ ba là người có nghĩa vụ thanh toán, nghĩa vụ trả nợ hoặc có nghĩa vụ khác chuyển giao khoản tiền hoặc tài sản khác cho mình. Bên nhận bảo đảm phải chứng minh quyền của mình trong trường hợp người có nghĩa vụ có yêu cầu”.
III. Các quy định liên quan đến quyền đòi nợ
1. Quy định về quyền đòi lại tài sản/đòi nợ
Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về tài sản:
“1. Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.
2. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai”.
Điều 115 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về quyền tài sản:
“Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác”.
Điều 332 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về quyền đòi lại tài sản:
“Trường hợp bên mua không hoàn thành nghĩa vụ thanh toán cho bên bán theo thỏa thuận thì bên bán có quyền đòi lại tài sản. Bên bán hoàn trả cho bên mua số tiền bên mua đã thanh toán sau khi trừ giá trị hao mòn tài sản do sử dụng. Trường hợp bên mua làm mất, hư hỏng tài sản thì bên bán có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.”
2. Quy định liên quan đến nghĩa vụ trả nợ
Điều 274 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về nghĩa vụ như sau:
“Nghĩa vụ là việc mà theo đó, một hoặc nhiều chủ thể (sau đây gọi chung là bên có nghĩa vụ) phải chuyển giao vật, chuyển giao quyền, trả tiền hoặc giấy tờ có giá, thực hiện công việc hoặc không được thực hiện công việc nhất định vì lợi ích của một hoặc nhiều chủ thể khác (sau đây gọi chung là bên có quyền).”
Điều 280 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về thực hiện nghĩa vụ trả tiền như sau:
“ 1. Nghĩa vụ trả tiền phải được thực hiện đầy đủ, đúng thời hạn, đúng địa điểm và phương thức đã thỏa thuận.
2. Nghĩa vụ trả tiền bao gồm cả tiền lãi trên nợ gốc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.
Điều 357 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về trách nhiệm do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền như sau:
“1. Trường hợp bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì bên đó phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả.
2. Lãi suất phát sinh do chậm trả tiền được xác định theo thỏa thuận của các bên nhưng không được vượt quá mức lãi suất được quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật này; nếu không có thỏa thuận thì thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này”.
Điều 360 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ như sau:
“Trường hợp có thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ gây ra thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác”
Điều 466 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về nghĩa vụ trả nợ của bên vay như sau:
“1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.
3. Địa điểm trả nợ là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
4. Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
5. Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:
a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này;
b) Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.
Điều 360 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về lãi suất như sau:
“1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.
Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.
2. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ”.
Khoản 1 và Khoản 2 Điều 50 Luật Thương mại 2005 quy định về thanh toán như sau:
“1. Bên mua có nghĩa vụ thanh toán tiền mua hàng và nhận hàng theo thỏa thuận.
2. Bên mua phải tuân thủ các phương thức thanh toán, thực hiện việc thanh toán theo trình tự, thủ tục đã thỏa thuận và theo quy định của pháp luật.”
Điều 306 Luật Thương mại 2005 quy định về quyền yêu cầu tiền lãi do chậm thanh toán như sau:
“Trường hợp bên vi phạm hợp đồng chậm thanh toán tiền hàng hay chậm thanh toán thù lao dịch vụ và các chi phí hợp lý khác thì bên bị vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu trả tiền lãi trên số tiền chậm trả đó theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.”
Điều 11 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP quy định về Xác định lãi suất trung bình quy định tạiĐiều 306 của Luật Thương mại năm 2005:
“Trường hợp hợp đồng thuộc phạm vi điều chỉnh tại Điều 306 của Luật Thương mại năm 2005 thì khi xác định lãi suất chậm trả đối với số tiền chậm trả, Tòa án căn cứ vào mức lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường của ít nhất 03 (ba) ngân hàng thương mại (Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam,…) có trụ sở, chi nhánh hoặc phòng giao dịch tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi Tòa án đang giải quyết, xét xử có trụ sở tại thời điểm thanh toán (thời điểm xét xử sơ thẩm) để quyết định mức lãi suất chậm trả, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”.
IV. Các quy định liên quan đến việc thu hồi khoản nợ
1. Thương lượng, hòa giải
2. Khởi kiện tại Tòa án
3. Yêu cầu mở thủ tục phá sản
===================
CÔNG TY CỔ PHẦN MUA BÁN NỢ PP-MBN
Trụ sở chính: 21 Trương Văn Đa, Liên Chiểu, Đà Nẵng
VP giao dịch: Tầng 6 Tòa nhà Thành Lợi, số 249 Nguyễn Văn Linh, Thanh Khê, Đà Nẵng
SĐT: 02363 822678 – 0901 955 099
Email: pp.muabanno@gmail.com