"Đang tải dữ liệu..."

Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời như thế nào khi khởi kiện thu hồi nợ?

Thu hồi nợ là công việc quan trọng mà cá nhân, doanh nghiệp nào cũng cần trang bị hoặc phải hiểu rõ trong đời sống, hoạt động sản xuất kinh doanh. Thực tế, hành trình đi đòi những khoản nợ vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn khi con nợ có mục đích chiếm dụng, tẩu tán tài sản. Trong trường hợp này, bài toán đặt ra cho cá nhân, doanh nghiệp là phải làm gì để áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời khi khởi kiện thu hồi nợ đúng luật, nhanh chóng và hiệu quả. Với mục đích cung cấp kiến thức về vấn đề áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời khi thu hồi nợ, Phong & Partners tư vấn như sau:

1. Điều kiện áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

– Quyền và lợi ích liên quan của Người yêu cầu đang bị xâm phạm hoặc đe dọa xâm phạm và không được vượt quá các yêu cầu trong tranh chấp đang được giải quyết;

– Bối cảnh, tình huống áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải có tính khẩn cấp;

– Các thiệt hại có thể xảy ra nếu không áp dụng BPKCTT phải lớn hơn so với thiệt hại sẽ xảy ra đối với bên bị áp dụng hoặc bên thứ ba. Mục đích của BPKCTT là bảo vệ quyền lợi của bên có yêu cầu, tuy nhiên, việc áp dụng BPKCTT phải đem lại hiệu quả chung cho xã hội, tức là việc áp dụng BPKCTT phải cân nhắc đến khả năng gây ra những thiệt hại khác cho bên bị áp dụng hoặc bên thứ ba.

2. Thủ tục yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

– Đương sự gửi yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;

– Tòa án xem xét thấy nội dung đơn và hình thức đơn phù hợp thì yêu cầu đương sự phải có bản giải trình dự kiến thiệt hại (trong trường hợp buộc thực hiện biện pháp bảo đảm). Nếu Tòa án thấy đơn không phù hợp thì yêu cầu chỉnh sửa, bổ sung;

– Thẩm phán nếu chấp nhận yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì ban hành Quyết định thực hiện biện pháp bảo đảm để Người yêu cầu thực hiện, ví dụ như gửi một khoản tiền vào ngân hàng mà Tòa án chỉ định. Biện pháp này nhằm đảm bảo trách nhiệm bồi thường của Người yêu cầu nếu yêu cầu sai mà gây ra thiệt hại cho Người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;

– Người yêu cầu đóng tiền bảo đảm xong, Tòa ra Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời ngay.

Lưu ý: Khi yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, Người yêu cầu cần chuẩn bị một khoản tiền (hoặc các tài sản khác theo quy định) có giá trị tối thiểu bằng 20% giá trị tạm tính của một tài sản bị áp dụng để thực hiện biện pháp bảo đảm như (iii) đã đề cập (theo khoản 2 Điều 13 Nghị quyết 02/2020/NQ-HĐTP).

3. Hồ sơ áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

– Nếu là nợ cá nhân: Chứng minh nhân dân; Giấy/Biên bản vay nợ; Bản tường trình sự việc; Đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; Đơn mời luật sư (nếu ủy quyền Luật sư giải quyết vụ án).

– Nếu là nợ doanh nghiệp: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; Chứng từ liên quan đến khoản nợ (Hợp đồng, giấy xác nhận nợ, hóa đơn thanh toán, biên bản nghiệm thu, biên bản bàn giao,…); Đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; Đơn mời luật sư (nếu ủy quyền luật sư giải quyết vụ án).

Việc đưa ra những tài liệu, giấy tờ trên là cơ sở giúp Tòa án có thẩm quyền giải quyết hay Luật sư được ủy quyền đánh giá được khả năng thanh toán của con nợ, xác minh tính pháp lý của hồ sơ để kịp thời áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phù hợp, hiệu quả.

Trên đây là phần tư vấn của Văn phòng Luật sư Phong & Partners đối với vấn đề áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời khi thu hồi nợ. Nếu bạn còn bất kì thắc mắc hay cần thêm sự tư vấn nào, vui lòng đặt câu hỏi để được Phong & Partners giải đáp.

Nguồn:

https://phong-partners.com/tieng-anh-phap-ly/thu-hoi-no-cho-doanh-nghiep/ap-dung-bien-phap-khan-cap-tam-thoi-nhu-the-nao-khi-khoi-kien-thu-hoi-no-1148.html

Liên hệ
Contact Me on Zalo