Anh Trương Thanh Nhật hỏi: “Tháng 7/2017, Công ty tôi ký hợp đồng mua bán vật liệu xây dựng với Công ty A, tổng giá trị hợp đồng tới 1 tỷ đồng, thời hạn thanh toán đến cuối tháng 12/2017. Thế nhưng khi hết thời hạn thanh toán thì Công ty A chỉ mới thanh toán được 700 triệu đồng, sau đó Công ty tôi đã nhiều lần yêu cầu Công ty A thanh toán nhưng Công ty A vẫn không phản hồi. Đến nay Công ty tôi quyết định khởi kiện để buộc Công ty A phải thanh toán khoản tiền nợ còn lại, tuy nhiên tôi được biết thời hiệu khởi kiện đã hết. Vậy Công ty tôi có thể khởi kiện để yêu cầu Công ty A trả nợ được không? Nếu như khởi kiện thì có bất lợi gì về phía công ty chúng tôi không? Công ty tôi cần phải làm gì để có thể bảo vệ tối đa quyền lợi của mình?”
Thứ nhất, công ty anh có thể khởi kiện để yêu cầu công ty A trả nợ.
Như anh đã trình bày, thời hiệu khởi kiện để yêu cầu công ty A thanh toán khoản nợ từ hợp đồng trên đã hết. Cụ thể, Điều 429 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm”. Trong trường hợp của anh, công ty A đã vi phạm nghĩa vụ thanh toán từ cuối tháng 12/2017 đến nay đã quá 03 năm, tức đã hết thời hiệu khởi kiện theo quy định. Tuy nhiên, việc hết thời hiệu khởi kiện không đồng nghĩa với việc công ty anh mất quyền khởi kiện. Cụ thể:
Khoản 2 Điều 149 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:“Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ, việc”. Theo quy định trên, khi đã hết thời hiệu khởi kiện thì công ty anh vẫn có quyền khởi kiện để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình, bởi vì Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu của bên phía công ty A và với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc.
Thứ hai, một khi đã hết thời hiệu khởi kiện mà khởi kiện thì công ty anh sẽ gặp bất lợi
Nếu công ty A không yêu cầu áp dụng thời hiệu khởi kiện, Tòa án sẽ vẫn thụ lý và giải quyết tranh chấp theo thủ tục thông thường. Ngược lại, nếu công ty A biết thời hiệu khởi kiện đã hết và yêu cầu Tòa án áp dụng thời hiệu trước thời điểm Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án thì trong trường hợp này, Tòa án sẽ ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự theo quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 217 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 (nếu rơi vào trường hợp này thì công ty anh không còn cơ hội để thu hồi nợ).
Thứ ba, để tránh rủi ro như trường hợp 2 ở trên, công ty anh cần xác lập lại thời hiệu khởi kiện trước khi khởi kiện.
Điều 157 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:
“1. Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự bắt đầu lại trong trường hợp sau đây:
a) Bên có nghĩa vụ đã thừa nhận một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện;
b) Bên có nghĩa vụ thừa nhận hoặc thực hiện xong một phần nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện;
c) Các bên đã tự hòa giải với nhau.
Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự bắt đầu lại kể từ ngày tiếp theo sau ngày xảy ra sự kiện quy định tại khoản 1 Điều này.”
Trong trường hợp của anh, dù đã hết thời hiệu khởi kiện, nhưng nếu công ty A vẫn thừa nhận nghĩa vụ của mình với công ty anh, và chỉ cần họ thừa nhận một phần nghĩa vụ; thực hiện xong một phần nghĩa vụ; hoặc các bên đã tự hòa giải với nhau thì thời hiệu khởi kiện đều được khôi phục lại. Thời điểm khôi phục lại thời hiệu khởi kiện là ngày tiếp theo kể từ lúc công ty A thừa nhận nghĩa vụ của mình.
Đối với việc chậm thanh toán của công ty A, bởi vì công ty anh đã nhiều lần yêu cầu công ty A thanh toán nhưng công ty A vẫn không phản hồi, do đó, để xác định lại thời hiệu khởi kiện một cách hiệu quả, trước tiên công ty anh nên tìm hiểu rõ tình hình hoạt động, quan điểm, thái độ của công ty A đối với khoản nợ. Anh có thể tiến hành một số biện pháp như: tiếp tục đàm phán giải quyết để thu hồi công nợ với thái độ bình tĩnh; tìm cách đối chiếu xác nhận lại công nợ khi có điều kiện hoặc có thể làm việc, hòa giải lại với công ty A về việc xác định lại, điều chỉnh lại thời hạn thanh toán trên hợp đồng… Các hình thức gặp và làm việc trực tiếp, gửi văn bản, tin nhắn…có thể là cơ sở buộc công ty A phải thừa nhận khoản nợ đối với công ty anh. Khi đó, thời hiệu khởi kiện sẽ bắt đầu lại kể từ ngày tiếp sau ngày xảy ra một trong số các sự kiện này. Như vậy, từ việc xác lập lại thời hiệu khởi kiện, công ty anh có thể thực hiện các thủ tục để khởi kiện công ty A mà không cần bận tâm về vấn đề thời hiệu đã hết như hiện nay.
Nguồn tham khảo: https://phong-partners.com/tieng-anh-phap-ly/thu-hoi-no-cho-doanh-nghiep/lam-the-nao-co-the-khoi-phuc-thoi-hieu-khoi-kien-trong-thu-hoi-no-1150.html